ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 15: “BỐ TÔI”
PHẦN I: ĐỌC HIỂU
Câu 1: Ngôi kể thứ nhất.
Câu 2:
– Những hành động của người bố khi nhận được thư của con gái:
mở lá thư, xem từng con chữ, chạm tay vào nó, ép nó vào khuôn mặt đầy râu. Rồi cũng lặng lẽ như lúc mở ra, ông gấp nó lại, nhét vào bao thư, mỉm cười rồi đi về núi.
– Những hành động đó thể hiện: Ông rất yêu thương đứa con gái của mình. Ông rất nhớ đứa con gái của mình. Ông nâng niu, trân trọng từng lá thư con gái gửi về.
Câu 3:
– Biện pháp liệt kê – liệt kê các hành động, cử chỉ của người cha: xem từng con chữ, lấy tay chạm vào nó, rồi ép vào khuôn mặt đầy râu của ông
– Tác dụng: Diễn tả một cách đầy đủ, cụ thể, nhấn mạnh hành động thể hiện được sự nâng niu, trân trọng những lá thư của con và sâu thẳm hơn chính là tình thương yêu quý mến của người cha dành cho con.
Câu 4:
Em hiểu câu văn: “Nhưng tôi biết bố sẽ đi cùng tôi trên những con đường mà tôi sẽ đi, suốt cả hành trình cuộc đời.”:
– Tình yêu thương, che chở của bố sẽ theo mình suốt cuộc đời
– Vì người con quá yêu cha, trong lòng luôn có cha
– Vì người con biết linh hồn của người cha sẽ luôn dõi theo mình.
Câu 5:
Tình cảm yêu thương cha con là tình cảm thiêng liêng vô cùng quý giá. Cha mẹ tuy không thể ở bên cạnh, nhưng vẫn luôn dõi theo và ủng hộ con. Tình cảm của con dành cho cha mẹ cũng vậy, dù cha mẹ đã mất, nhưng con vẫn luôn nhớ, biết ơn yêu thương, kính trọng cha mẹ.
PHẦN II: VIẾT
Câu 1: Triển khai bài văn theo trình tự hợp lí, mạch lạc
HS có thể triển khai lập luận theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các dẫn chứng, lí lẽ. Mạch lập luận gợi ý:
* Giải thích: Tình phụ tử là tình cảm yêu thương, gắn bó qua lại giữa cha và con xuất phát từ trái tim mỗi người, là tình cảm vô bờ bến của cha dành cho con, là tấm lòng yêu thương, kính trọng, suốt đời không quên cha của con. Tình phụ tử là tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, theo suốt cuộc đời của mỗi con người.
* Phân tích, chứng minh
– Trong cuộc đời có nhiều tình cảm cao đẹp nhưng thiêng liêng và cao cả hơn cả chính là tình phụ tử.
– Cha cùng với mẹ là người đã sinh ra con, để cho con có hình hài, dáng đứng. Quy luật của cuộc sống, không có cây thì không có quả, không có người sinh thành thì không có chúng ta. Công đức sinh thành của cha không gì sánh bằng.
– Cha không quản bao vất vả, nắng mưa đã nuôi dưỡng, chăm sóc con thành người. Lúc con ốm, con đau, cha lo lắng, chăm sóc đêm ngày, lúc con ngoan ngoãn, lớn khôn, cha sung sướng, tự hào. Mỗi bước trưởng thành của con cha thêm vất vả, gian nan.
– Cha chính là người thầy, người cô đầu tiên trong cuộc đời con, cha dạy bảo con bài học làm người, uốn nắn con từng lời ăn tiếng nói, chỉ bảo con từng điều hay, lẽ phải. Cha dạy con phải đi trên chính đôi chân của mình, phải biết sống “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, phải dũng cảm đương đầu với khó khăn, thử thách.
– Ngay cả trên bước đường đời con có vấp ngã, thất bại, buồn đau thì không ai khác cha chính là điểm tựa bình yên nhất, là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất cho con. Cha sẵn sàng dang rộng vòng tay che chở, bảo vệ con, tiếp thêm cho con sức mạnh sau mỗi chông gai, thử thách.
– Thử hình dung, nếu một ngày không còn cha trên đường đời, chắc chắn đó sẽ là ngày buồn thảm nhất, chắc chắn đứa con sẽ là người bất hạnh nhất bởi sẽ không còn cha để được lo lắng, yêu thương, dạy bảo, chăm sóc.
– Tình cha dành cho con là bao la, vô điều kiện nhưng cách thể hiện lại khác tình yêu của mẹ. Tình cảm ấy không được biểu hiện một cách trực tiếp mà ẩn sâu trong một ánh mắt, một nụ cười, một hành động không dễ nhận ra. Tình cha thật thiêng liêng nhưng cũng thật lặng lẽ.
* D/C: Có biết bao câu chuyện cảm động về tình cha. Trong câu chuyện cổ tích “Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung”, nhà quá nghèo, hai cha con chỉ có một cái khố nên phải thay nhau mặc, thương con, trước khi chết, cha Chử Đồng Tử trăng trối nhường khố lại cho con. Nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao là điển hình cho người cha hết mực yêu con. Vì yêu con nên lão đã chọn cái chết quằn quại, đau đớn là tự tử bằng bả chó để giữ lại mảnh vườn cho con. Đó là minh chứng cho câu nói “Bạn không cần đắn đo phân tích cha chúng ta là người như thế nào vì lúc nào cha cũng vĩ đại”. * Bàn luận mở rộng:
– Trong thực tế, người cha nào cũng yêu thương con mình, tuy nhiên cũng có nhiều ngườicha nhẫn tâm bỏ rơi con mình từ khi mới lọt lòng, hoặc vì những mục đích tầm thường mà lợi dụng con cái. Nhưng đó chỉ là hiện tượng cá biệt cần phê phán. Tình cha là thiêng liêng, cao cả. Nhưng không phải người con nào cũng hiểu và cảm nhận được. Vẫn có không ít người con không hiểu công lao của cha, hỗn láo, đối xử tệ bạc với cha. Những kẻ làm con như thế đều đáng lên án, phê phán.
– Bài học: Hiếu thảo với cha là tình cảm đẹp đẽ nhất trong mọi tình cảm. Vì vậy, chúng ta cần ý thức rõ được điều đó đồng thời giữ gìn, nâng niu. Không có người cha nào có thể sống mãi cùng con cái. “Trẻ cậy cha, già cậy con”, khi về già con cái chính là điểm tựa của cha. Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất còn phải dành thời gian chăm lo cả đời sống tinh thần cho mẹ. Đồng thời chia sẻ thiệt thòi với những em bé mất cha.
– Liên hệ: Là học sinh, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, ngay từ bây giờ bằng cách chăm ngoan, học giỏi, vâng lời ông bà cha mẹ thầy cô, một cốc nước mát lành cho cha uống khi khát, một cử chỉ yêu thương, một lời nói động viên cha khi mệt. Đó là cách thiết thực nhất để thể hiện chữ hiếu, đạo làm con.
Câu 2:
- Mở đoạn
– Giới thiệu tác phẩm và nhân vật: Truyện ngắn “Bố tôi” của Nguyễn Ngọc Thuần để lại dấu ấn sâu sắc về tình cảm gia đình. Nhân vật người bố hiện lên với tình yêu thương lặng lẽ, sâu sắc dành cho con.
- Thân đoạn: Đặc điểm nổi bật của người bố:
– Tình yêu thương con vô bờ bến:
+ Người bố luôn dõi theo từng bước trưởng thành của con từ nơi núi đồi hiểm trở.
+ Hình ảnh ông đều đặn xuống núi mỗi tuần để nhận thư, cẩn thận mở ra, vuốt ve từng con chữ rồi áp lên khuôn mặt.
– Sự giản dị và chân chất:
+ Chiếc áo kẻ ô phẳng phiu nhất.
+ Lưu giữ từng lá thư trong tủ như những kỷ niệm quý giá.
+ Hành động lặng lẽ nhưng giàu cảm xúc, thể hiện sự tận tâm và tình cảm trân trọng.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+ Phép liệt kê: Chuỗi hành động: “mặc chiếc áo kẻ ô phẳng phiu nhất,” “vuốt ve từng con chữ,” “ép thư lên khuôn mặt đầy râu,” và “xếp thư vào tủ.”
+ Các hành động liên kết mạch lạc, nhấn mạnh tình cảm sâu sắc và sự cẩn thận của người bố.
+ Ngôn ngữ dung dị, giàu cảm xúc:
+ Làm cho nhân vật sống động, gần gũi và chân thực.
III. Kết đoạn
– Thông điệp ý nghĩa: Hình tượng người bố gửi gắm thông điệp về sự hy sinh thầm lặng và tình cảm gia đình thiêng liêng.
– Đánh giá chung: Người bố là biểu tượng sáng về tình cha con và giá trị của những điều giản dị trong cuộc sống.
Tham khảo
Người bố trong truyện ngắn “Bố tôi” của Nguyễn Ngọc Thuần hiện lên như một hình tượng cha giàu tình yêu thương, lặng lẽ nhưng sâu sắc, để lại dấu ấn khó phai trong lòng người đọc. Đặc điểm nổi bật của người bố là tình yêu thương con vô bờ bến. Ông luôn dõi theo từng bước trưởng thành của con từ nơi núi đồi hiểm trở. Hình ảnh ông đều đặn xuống núi mỗi tuần để nhận thư, cẩn thận mở ra, vuốt ve từng con chữ rồi áp lên khuôn mặt là biểu tượng cho sự trân trọng, tự hào và tình cảm thầm lặng ông dành cho con. Bên cạnh đó, người bố còn thể hiện sự giản dị và chân chất. Ông mặc chiếc áo kẻ ô phẳng phiu nhất, lưu giữ từng lá thư của con trong tủ một cách nâng niu, như lưu giữ những kỷ niệm quý giá nhất. Điều này cho thấy ông không chỉ là một người cha, mà còn là một người bạn đồng hành âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy sức mạnh tinh thần. Tác giả Nguyễn Ngọc Thuần đã khéo léo xây dựng nhân vật người bố thông qua những chi tiết giàu giá trị biểu cảm và phép liệt kê. Từng hành động như “mặc chiếc áo kẻ ô phẳng phiu nhất,” “vuốt ve từng con chữ,” “ép thư lên khuôn mặt đầy râu,” và “cẩn thận xếp thư vào tủ” được miêu tả tỉ mỉ, góp phần lột tả tình yêu thương sâu đậm, sự cẩn thận và lòng tự hào của người bố. Những chi tiết ấy liên kết với nhau, tạo nên một chuỗi hành động vừa giản dị vừa thấm đẫm cảm xúc, giúp người đọc cảm nhận rõ nét tình cảm sâu sắc mà ông dành cho con. Ngôn ngữ kể chuyện dung dị và giàu cảm xúc đã làm cho hình ảnh người bố trở nên sống động, chân thực, gần gũi với đời thường. Qua hình tượng người bố, tác giả gửi gắm thông điệp sâu sắc về sự hy sinh thầm lặng của bậc làm cha mẹ và giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình. Người bố trong truyện “Bố tôi” không chỉ là tấm gương sáng về tình cha con mà còn là lời nhắc nhở về ý nghĩa sâu sắc của những điều giản dị trong cuộc sống.
Cảm ơn các em đã dành thời gian đón đọc bài viết của cô Diệu Thu. Hi vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp các em thêm yêu thích môn văn hơn. Nếu thấy bài viết ý nghĩa và hữu ích, đừng quên chia sẻ với bạn bè để mọi người cùng học hỏi và khám phá thêm những điều thú vị từ văn học nhé!
Trung tâm luyện thi văn cô Diệu Thu hiện có các lớp văn Online từ lớp 6 đến lớp 12, được giảng dạy bởi đội ngũ Tiến sĩ, Thạc sĩ và Giáo viên giỏi với nhiều năm kinh nghiệm. Phương pháp giảng dạy độc đáo bằng công thức sẽ giúp các em dễ dàng nắm vững kiến thức và yêu thích môn văn hơn. Rất mong được đồng hành cùng các em trên hành trình học tập và phát triển kỹ năng văn học!
Liên hệ: Cô giáo Lê Trần Diệu Thu – Thạc sĩ lý luận và Phương pháp giảng dạy Bộ môn Ngữ văn – 0973602995
#nguvan #vanhoc #hocvanbangcongthuc #cogiaodieuthu
Website: https://letrandieuthu.com/