ĐỀ THI NGỮ VĂN TẠI TT CÔ GIÁO DIỆU THU
CHIẾN BINH CẦU VỒNG
- PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Lintang rốt cuộc cũng thoát ra được và chạy ù vào lớp tìm chỗ ngồi. Tôi bị bỏ lại đằng sau, đứng trân trân nhìn vào lớp học. Thằng nhóc đó cứ như đứa bé ngồi trên con ngựa non – sung sướng – chẳng muốn xuống tẹo nào. Nó đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn để được đi học cơ mà.
Cô Mus lại gần cha của Lintang. Ông giống hệt một cây thông bị sét đánh: đen trũi, héo hắt, gầy gò và khô đét. Ông làm nghề đánh cá nhưng nhìn mặt ai cũng nghĩ ông là một người chăn cừu tốt bụng – một người hiền lành, nhân hậu và chứa chan hy vọng. Tuy vậy, giống như mọi người dân Indonesia khác, ông không nhận thức được rằng đi học là một quyền cơ bản của con người.
[…]Chắc chắn rằng tất cả những thế hệ trước trong gia đình của người đàn ông có dáng người giống cây thông này chưa khi nào thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo, cứ mặc nhiên trở thành những ngư dân trong cộng đồng người Mã Lai này. Những ngư dân này không thể độc lập làm việc được – không phải vì biển không đủ rộng, chỉ là vì thiếu thuyền. Năm nay, cha của Lintang muốn bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn đó. Đứa con trai cả, Lintang, sẽ không trở thành một ngư dân như cha nó. Thay vào đó, Lintang sẽ ngồi bên cạnh một cậu nhóc khác với mái tóc xoăn tít – là tôi – và ngày ngày sẽ đi xe đạp đến trường và về nhà. Nếu nó thực sự muốn trở thành một ngư dân, thì đoạn đường dài bốn mươi cây gập ghềnh sỏi đá kia sẽ đập tan quyết định đi học của nó. Cái mùi khét lẹt tôi ngửi thấy lúc nãy thật ra là mùi của đôi xăng đan cunghai làm từ lốp xe ô tô nó đang đi. Đôi giày mòn vẹt và bốc mùi khét vì Lintang đã phải đạp xe hết một đoạn đường dài mới đến được trường.
Gia đình của Lintang ở Tanjong Kelumpang, một ngôi làng cách bờ biển không xa lắm. Để đến được đó, bạn phải đi qua bốn rừng cọ rậm rì, những vùng đầm lầy khiến cho người làng tôi mỗi khi đi qua đều rợn cả tóc gáy. Nơi này gặp phải cá sấu là chuyện thường – những con cá sấu to bằng thân cây dừa hay bò ngang qua đường. Ngôi làng ven biển của Lintang nằm ở cực Đông của Sumatra và có thể nói là nơi hẻo lánh và đói nghèo nhất đảo Belitong. Đối với Lintang, nói có ngôi trường nó đến học đây như thể là một thành phố mang tầm cỡ quốc tế, và để đến được đây nó đã phải bắt đầu đạp xe từ lúc subuh, giờ cầu kinh sáng, khoảng bốn giờ.
(Andrea Hirata, “Chiến binh cầu vồng”, Nhà xuất bản Nhã Nam, 2020)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định ngôi kể được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2 (0,5 điểm). Theo văn bản, Lintang phải trải qua những khó khăn nào để đến trường?
Câu 3 (1,0 điểm). “Vòng luẩn quẩn” được đề cập trong văn bản là gì? Vì sao cha của Lintang “muốn bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn”?
Câu 4 (1,0 điểm). Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp trong đoạn văn: Thằng nhóc đó cứ như đứa bé ngồi trên con ngựa non – sung sướng – chẳng muốn xuống tẹo nào. Nó đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn để được đi học cơ mà.
Câu 5 (1,0 điểm). Ở những đất nước còn nghèo đói, nhiều người không nhận thức được vai trò của việc học. Là người may mắn được đến trường, theo em, cần có thái độ học tập như thế nào cho đúng đắn?
- PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích đặc sắc về nội dung, chủ đề của đoạn trích trên.
Câu 2 (4,0 điểm). Có nên bất chấp những khó khăn, gian khổ để đến với con chữ không? Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trả lời câu hỏi trên.
Cảm ơn các em đã dành thời gian đón đọc bài viết của cô Diệu Thu. Hi vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp các em thêm yêu thích môn văn hơn. Nếu thấy bài viết ý nghĩa và hữu ích, đừng quên chia sẻ với bạn bè để mọi người cùng học hỏi và khám phá thêm những điều thú vị từ văn học nhé!
Trung tâm luyện thi văn cô Diệu Thu hiện có các lớp văn Online từ lớp 6 đến lớp 12, được giảng dạy bởi đội ngũ Tiến sĩ, Thạc sĩ và Giáo viên giỏi với nhiều năm kinh nghiệm. Phương pháp giảng dạy độc đáo bằng công thức sẽ giúp các em dễ dàng nắm vững kiến thức và yêu thích môn văn hơn. Rất mong được đồng hành cùng các em trên hành trình học tập và phát triển kỹ năng văn học!
Liên hệ: Cô giáo Lê Trần Diệu Thu – Thạc sĩ lý luận và Phương pháp giảng dạy Bộ môn Ngữ văn – 0973602995
#nguvan #vanhoc #hocvanbangcongthuc #cogiaodieuthu
Website: https://letrandieuthu.com/