ĐỀ 79: CÂY SỒI VÀ CÂY SẬY

ĐỀ THI NGỮ VĂN TẠI TT CÔ GIÁO DIỆU THU

  1. PHẦN ĐỌC (6,0 điểm)

Đọc văn bản:

CÂY SỒI VÀ CÂY SẬY

Trong khu rừng nọ có một cây sồi rất cao lớn, sừng sững đứng ngay bên bờ một dòng sông. Hằng ngày, nó khinh khỉnh nhìn đám sậy bé nhỏ, yếu ớt, thấp chùn dưới chân mình.

Một hôm, trời bỗng nổi trận cuồng phong dữ dội. Cây sồi bị bão thổi bật gốc, đổ xuống sông. Nó bị cuốn theo dòng nước đỏ ngầu phù sa. Thấy những cây sậy vẫn tươi xanh hiên ngang đứng trên bờ, mặc cho gió mưa đảo điên. Quá đỗi ngạc nhiên, cây sồi bèn cất tiếng hỏi:

– Anh sậy ơi, sao anh nhỏ bé, yếu ớt thế kia mà không bị bão thổi đổ? Còn tôi to lớn thế này lại bị bật cả gốc, bị cuốn trôi theo dòng nước?

Cây sậy trả lời:

– Tuy anh cao lớn nhưng đứng một mình. Tôi tuy nhỏ bé, yếu ớt nhưng luôn luôn có bạn bè đứng bên cạnh tôi. Chúng tôi dựa vào nhau để chống lại gió bão, nên gió bão dù mạnh tới đâu cũng chẳng thể thổi đổ được chúng tôi.

Nghe vậy, cây sồi ngậm ngùi, xấu hổ. Nó không còn dám coi thường cây sậy bé nhỏ yếu ớt nữa.

(Theo Tuyển tập những câu chuyện ngụ ngôn hay nhất của Aesop, Việt Khương, Thúy Hà dịch, NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr 185)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (1,0 điểm). Xác định ngôi kể và các nhân vật trong câu chuyện trên.

Câu 2 (1,0 điểm). Chỉ ra và nêu tác dụng của một phó từ có trong câu văn sau: “Trong khu rừng nọ có một cây sồi rất cao lớn sừng sững đứng ngay bên bờ một dòng sông.”

Câu 3 (1,5 điểm). Chi tiết: “Hằng ngày, nó khinh khỉnh nhìn đám sậy bé nhỏ, yếu ớt, thấp chùn dưới chân mình đã cho thấy cây sồi có tính cách gì?

Câu 4 (1,0 điểm). Tại sao cây sồi lại ngạc nhiên khi thấy cây sậy vẫn đứng vững sau trận bão? Qua đó, em hiểu gì về sự khác biệt giữa hai loài cây này?

Câu 5 (1,5 điểm). Em rút ra bài học gì cho bản thân từ nội dung của câu chuyện trên?

  1. PHẦN VIẾT (4,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn 200 chữ phân tích chủ đề của truyện “Cây sồi và cây sậy”.

Câu 2 (4,0 điểm). Hãy viết một bài văn nghị luận xã hội khoảng 400 chữ, trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc tôn trọng sự khác biệt trong cuộc sống.

 

Cảm ơn các em đã dành thời gian đón đọc bài viết của cô Diệu Thu. Hi vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp các em thêm yêu thích môn văn hơn. Nếu thấy bài viết ý nghĩa và hữu ích, đừng quên chia sẻ với bạn bè để mọi người cùng học hỏi và khám phá thêm những điều thú vị từ văn học nhé!

 

Trung tâm luyện thi văn cô Diệu Thu hiện có các lớp văn Online từ lớp 6 đến lớp 12, được giảng dạy bởi đội ngũ Tiến sĩ, Thạc sĩ và Giáo viên giỏi với nhiều năm kinh nghiệm. Phương pháp giảng dạy độc đáo bằng công thức sẽ giúp các em dễ dàng nắm vững kiến thức và yêu thích môn văn hơn. Rất mong được đồng hành cùng các em trên hành trình học tập và phát triển kỹ năng văn học!

 

Liên hệ: Cô giáo Lê Trần Diệu Thu – Thạc sĩ lý luận và Phương pháp giảng dạy Bộ môn Ngữ văn – 0973602995

#nguvan #vanhoc #hocvanbangcongthuc #cogiaodieuthu

Website: https://letrandieuthu.com/