ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 21 – CẢI ƠI

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 21: “CẢI ƠI”

PHẦN I: ĐỌC HIỂU

Câu 1: Nhân vật ông Năm nhỏ.

Câu 2:

  • Ngôi kể thứ ba
  • Tác dụng:

+ Tác giả có thể kể chuyện một cách linh hoạt, tự do những gì diễn ra với thế giới nhân vật trong truyện.

+ Việc khắc họa nhân vật ông Năm cùng tình yêu con của ông được thể hiện một cách khách quan, tự nhiên.

Câu 3:

  • Bổ sung thêm thông tin và thái độ của các nhân vật trong câu văn (lời khen “bảo con nhỏ giống ông in hệt”của bà con trong xóm chỉ là khen theo phép lịch sự để ông Năm vui và ông Năm cũng hiểu điều đó)

Câu 4:

Chi tiết miêu tả ông Năm nhỏ trong đoạn (1)

  • Đi tìm con nhỏ gần mười hai năm, …. nâng niu nó khi mới thôi nôi, đã vui khi có người bảo con nhỏ giống ông in hệt, đã sướng rơn khi nó gọi tiếng ba ơi … đã xuống nước mắt khi đi qua chiếc giường trước kia nó ngủ.
  • Ông hì hụi ém mùng, rồi ngồi một góc, nhìn chiếu gối thênh thang, lòng chết điếng vì nỗi nhớ con, vì lo nó lưu lạc giữa đời.
  • Ông khăn gói bỏ xứ ra đi, bụng dạ đinh ninh dứt khoát tìm được con Cải về.

Qua những chi tiết trên, ông Năm nhỏ hiện lên là một người cha bao dung, có tình thương con sâu sắc.

Câu 5:

  • Mỗi chúng ta cần có sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu cho hoàn cảnh của họ, giúp đỡ và trao gửi tình yêu thương bằng những hành động thiết thực.
  • Không nên thờ ơ, vô cảm, thậm chí phán xét, đặt điều khi không hiểu rõ những nỗi buồn, sự khổ đau mà họ đang phải gánh chịu

 

PHẦN II: VIẾT

Câu 1: Đề xuất hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề NL

– Giới thiệu khái quát về nhân vật ông Năm nhỏ

– Phân tích và làm sáng tỏ đặc điểm của nhân vật ông Năm nhỏ qua các phương diện (lai lịch, hành động, việc làm, lời nói, suy nghĩ, mối quan hệ với các nhân vật khác…) qua đó làm nổi bật tình yêu con của ông.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật (ngôi kể thứ ba, giọng kể nhẹ nhàng sâu lắng ấm áp tình người, cốt truyện đơn giản, xoay quanh những sự việc bình dị trong cuộc sống đời thường, ngôn ngữ đậm màu sắc Nam Bộ…)

– Đánh giá khát quát về nhân vật, liên hệ mở rộng, bài học

Đoạn văn tham khảo

Nhân vật ông Năm nhỏ trong đoạn trích “Cải ơi” của Nguyễn Ngọc Tư là một hình tượng sâu sắc, hiện lên với tấm lòng yêu thương con tha thiết và sự hy sinh không ngừng nghỉ. Ông Năm nhỏ, một người cha nghèo nhưng giàu tình cảm, đã đi tìm đứa con gái bị lạc suốt mười hai năm trời. Từ chi tiết ông cẩn thận ém mùng, lặng lẽ ngồi nhìn chiếc giường trống vắng, đến hành động khăn gói rời làng quê để tìm con, ta thấy được nỗi đau đớn và sự quyết tâm mạnh mẽ của ông. Ông chấp nhận làm đủ mọi nghề, từ chân sai vặt trong đoàn ca múa nhạc đến bán xe kẹo kéo, chỉ với hy vọng một ngày con gái nghe thấy tiếng gọi “Cải ơi” mà trở về. Thậm chí, ông còn chấp nhận đóng vai một kẻ trộm để được xuất hiện trên truyền hình, với mong muốn lời nhắn gửi của mình đến được với con. Cách xây dựng nhân vật ông Năm nhỏ là một thành công của Nguyễn Ngọc Tư. Ngôi kể thứ ba được sử dụng một cách linh hoạt, giúp tác giả lột tả chân thực thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật. Giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, pha chút bi thương nhưng không bi lụy, đậm màu sắc Nam Bộ, làm nổi bật tình cảm gia đình giản dị mà mãnh liệt. Những chi tiết đời thường trong cốt truyện giản dị, ngôn ngữ gần gũi khiến nhân vật trở nên sống động và gần gũi với người đọc. Nhìn vào hình ảnh ông Năm nhỏ, ta nhận ra bài học sâu sắc về tình yêu thương gia đình. Tình cha con là sợi dây vô hình nhưng mạnh mẽ, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đoạn trích còn là lời nhắc nhở về lòng bao dung và sự thấu hiểu, khuyến khích mỗi người biết trân trọng và giữ gìn tình cảm gia đình, nơi chứa đựng giá trị vĩnh cửu của cuộc sống.

 

Câu 2: Đề xuất hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề NL

– Xác định được ý chính của bài viết

– Sắp xếp ý chính theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề

* Triển khai vấn đề nghị luận

  1. Mở bài

Lỗi lầm là một phần tất yếu trong cuộc sống mỗi con người. Không ai trong chúng ta có thể nói rằng mình hoàn hảo, không bao giờ mắc sai lầm. Điều quan trọng không phải là lỗi lầm xảy ra, mà là cách chúng ta phản ứng trước lỗi lầm của người khác. Những thái độ như trách móc, phán xét hay cảm thông, bao dung và hỗ trợ đều phản ánh rõ nét nhân cách và giá trị đạo đức của con người. Trước lỗi lầm của người khác, chúng ta nên làm gì để vừa giúp họ sửa sai, vừa giữ được sự cân bằng và nhân văn trong các mối quan hệ?

  1. Thân bài
  2. Giải thích vấn đề Lỗi lầm là những sai sót trong lời nói, hành động hoặc suy nghĩ của con người, có thể xuất phát từ sự vô ý, thiếu cẩn thận hoặc đôi khi là sự cố ý. Tuy nhiên, lỗi lầm cũng là cơ hội để mỗi người học hỏi và trưởng thành. Chính vì vậy, thái độ của chúng ta khi đối mặt với lỗi lầm của người khác sẽ quyết định họ có thể sửa sai hay không và mối quan hệ giữa hai bên có được cải thiện hay không.
  3. Nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm Không ai sinh ra đã hoàn hảo. Lỗi lầm thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến:

Thiếu kinh nghiệm và hiểu biết: Những người trẻ tuổi, thiếu kiến thức hoặc trải nghiệm sống thường dễ mắc sai lầm.

Áp lực tâm lý hoặc hoàn cảnh sống: Cuộc sống hiện đại với những áp lực về công việc, học tập và gia đình có thể khiến con người mất bình tĩnh, dẫn đến những hành động sai trái.

Ảnh hưởng từ môi trường xung quanh: Một số lỗi lầm có thể do tác động tiêu cực từ bạn bè, gia đình hoặc xã hội, khiến con người hành xử không đúng đắn. Dù nguyên nhân là gì, lỗi lầm vẫn là điều tự nhiên, và cách chúng ta xử lý những lỗi lầm ấy sẽ quyết định giá trị của mối quan hệ.

  1. Hậu quả nếu không có cách xử lý đúng

Trước lỗi lầm của người khác, nếu chúng ta chọn trách móc và phán xét, người mắc lỗi sẽ dễ cảm thấy tủi thân, mất niềm tin vào bản thân và người xung quanh. Điều này có thể dẫn đến tâm lý bất mãn, thậm chí làm trầm trọng hơn những sai lầm của họ. Ngược lại, nếu chúng ta quá thờ ơ, không nhắc nhở hay định hướng, lỗi lầm có thể lặp lại và gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn cho cá nhân và cộng đồng.

  1. Chúng ta nên làm gì trước lỗi lầm của người khác?

– Thấu hiểu và cảm thông: Hiểu rằng ai cũng có thể mắc sai lầm là bước đầu để đối diện với lỗi lầm một cách bao dung. Đặt mình vào vị trí của người khác, ta sẽ thấy rằng không phải ai cũng cố ý làm sai, và nhiều khi hoàn cảnh đã buộc họ hành động như vậy. Ví dụ, một học sinh lỡ lời nói dối để tránh bị phạt không hẳn vì em ấy muốn thế, mà có thể do em sợ áp lực từ cha mẹ hoặc giáo viên.

– Bao dung và tha thứ: Tha thứ không chỉ là hành động giúp người khác sửa sai mà còn giúp chính tâm hồn ta trở nên nhẹ nhàng hơn. Khi bao dung, chúng ta cho người khác cơ hội để sửa sai và làm lại từ đầu. Hãy nhớ, tha thứ là cây cầu nối những trái tim, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.

– Định hướng và giúp đỡ: Thay vì chỉ trích, chúng ta nên chỉ ra lỗi sai một cách khéo léo và xây dựng. Những lời khuyên chân thành, cụ thể có thể là động lực để người mắc lỗi thay đổi. Ví dụ, khi một người bạn vi phạm nội quy trường học, thay vì chế giễu, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở và hướng dẫn họ hiểu đúng hơn về hậu quả hành động của mình.

– Tránh phán xét và lan truyền lỗi lầm: Bàn tán, thổi phồng hoặc lan truyền lỗi lầm của người khác chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ. Điều này không chỉ làm tổn thương người mắc lỗi mà còn gây mất lòng tin trong các mối quan hệ. Thay vào đó, chúng ta cần giữ sự tôn trọng và kín đáo khi xử lý vấn đề.

  1. Phản đề:

– Tuy nhiên, bao dung không có nghĩa là dung túng cho những lỗi lầm nghiêm trọng. Đối với các hành vi vi phạm đạo đức hoặc pháp luật, cần có sự nghiêm khắc và công bằng trong xử lý để đảm bảo tính răn đe và bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng. Chúng ta cần biết cân bằng giữa lòng bao dung và trách nhiệm xã hội.

III. Kết bài

Lỗi lầm là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng cách chúng ta phản ứng trước lỗi lầm của người khác sẽ quyết định nhân cách và giá trị của chính mình. Hãy thấu hiểu, bao dung và giúp đỡ, bởi không ai trong chúng ta là hoàn hảo. Hãy trở thành ánh sáng dẫn lối để những người lỡ bước có thể tìm lại con đường đúng đắn. Đó không chỉ là cách giúp người khác trưởng thành mà còn là cách chúng ta xây dựng một cuộc sống đáng sống, tràn đầy sự nhân ái và tình yêu thương.

 

Cảm ơn các em đã dành thời gian đón đọc bài viết của cô Diệu Thu. Hi vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp các em thêm yêu thích môn văn hơn. Nếu thấy bài viết ý nghĩa và hữu ích, đừng quên chia sẻ với bạn bè để mọi người cùng học hỏi và khám phá thêm những điều thú vị từ văn học nhé!

 

Trung tâm luyện thi văn cô Diệu Thu hiện có các lớp văn Online từ lớp 6 đến lớp 12, được giảng dạy bởi đội ngũ Tiến sĩ, Thạc sĩ và Giáo viên giỏi với nhiều năm kinh nghiệm. Phương pháp giảng dạy độc đáo bằng công thức sẽ giúp các em dễ dàng nắm vững kiến thức và yêu thích môn văn hơn. Rất mong được đồng hành cùng các em trên hành trình học tập và phát triển kỹ năng văn học!

 

Liên hệ: Cô giáo Lê Trần Diệu Thu – Thạc sĩ lý luận và Phương pháp giảng dạy Bộ môn Ngữ văn – 0973602995

#nguvan #vanhoc #hocvanbangcongthuc #cogiaodieuthu

Website: https://letrandieuthu.com/