ĐÁP ÁN ĐỀ 64: BÀN GIAO

ĐÁP ÁN ĐỀ 64: “BÀN GIAO”

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (4 điểm)

Câu 1 (0,5 điểm):
Thể thơ: Tự do

 

Câu 2 (1,0 điểm):
Trong bài thơ, người ông đã bàn giao cho cháu nhiều điều mang ý nghĩa sâu sắc và đầy cảm xúc:

  • Những hình ảnh gợi nhắc mùa thu và cuộc sống thanh bình như: gió heo may, góc phố với hương ngô nướng lan tỏa, tháng Giêng thơm hương bưởi, cỏ xanh mùa xuân dưới chân giày.
  • Những gương mặt người ngập tràn ánh nắng, chất chứa tình yêu thương.
  • Những cảm xúc chân thành như chút buồn, một chút cô đơn, và cả câu thơ “vững gót làm người”.

=> Qua đó, ta cảm nhận được tình cảm yêu thương sâu sắc, sự ân cần và mong mỏi của người ông muốn cháu biết trân trọng, gìn giữ những vẻ đẹp giản dị của cuộc sống. Ông muốn gửi gắm cho cháu những giá trị tinh thần tích cực, những niềm vui nhẹ nhàng và sự mạnh mẽ để bước đi trên hành trình làm người.

 

Câu 3 (0,5 điểm):
Người ông không muốn bàn giao cho cháu những tháng ngày gian nan, những đêm sương muối lạnh, những biến cố, loạn lạc, hay cảnh nghèo khổ, hiu hắt,…
=> Bởi ông yêu thương cháu, không muốn thế hệ sau phải gánh chịu những khổ đau, vất vả mà mình từng trải qua. Ông mong cháu được sống trong một thế giới yên bình, tươi đẹp hơn, được thừa hưởng những điều tốt lành thay vì những ký ức buồn đau.

 

Câu 4 (1,0 điểm):
Việc lặp đi lặp lại từ “bàn giao” trong bài thơ không chỉ tạo nên nhịp điệu mạch lạc, trầm lắng mà còn như một lời thủ thỉ, tâm tình đầy thiết tha của người ông dành cho cháu.

  • Cách sử dụng điệp ngữ này giúp nhấn mạnh sự trân trọng đối với những giá trị mà ông muốn truyền lại.
  • Đồng thời, nó làm nổi bật mong ước cao đẹp, sự tiếp nối giữa các thế hệ.
  • Hành động “bàn giao” vừa mang tính trao gửi yêu thương, vừa là sự gửi gắm trách nhiệm. Qua đó, người đọc cũng cảm nhận rõ nét hơn tấm lòng bao dung, yêu thương và đầy kỳ vọng của ông dành cho thế hệ cháu con.

 

Câu 5 (1,0 điểm):
Trước những điều thiêng liêng mà thế hệ trước đã bàn giao, thế hệ trẻ hôm nay cần:

  • Nhận thức sâu sắc về sự hy sinh và đóng góp thầm lặng của ông bà, cha mẹ, những người đi trước.
  • Trân trọng từng giá trị truyền thống, những điều bình dị mà quý báu trong cuộc sống.
  • Biết ơn và sống có trách nhiệm: gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp ấy trong cuộc sống hiện đại.
  • Cố gắng học tập, rèn luyện bản thân, sống tử tế, sống nhân hậu và góp phần xây dựng gia đình, đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

PHẦN II. VIẾT (6 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích hai khổ thơ đầu của bài thơ “Bàn giao”

Bài thơ “Bàn giao” của Vũ Quần Phương mang giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, là lời nhắn gửi đầy yêu thương của người ông dành cho cháu. Trong hai khổ đầu, tác giả đã gợi lên một hình ảnh người ông đang lặng lẽ “bàn giao” lại cho cháu những điều đẹp đẽ của cuộc sống. Đó là “gió heo may”, “góc phố có mùi ngô nướng”, là “tháng Giêng hương bưởi”, “cỏ mùa xuân xanh dưới chân giày”, hay “mặt người đẫm nắng, đẫm yêu thương”. Tất cả đều là những chi tiết gần gũi, bình dị nhưng chất chứa biết bao vẻ đẹp trong trẻo, đầy cảm xúc. Bên cạnh đó, người ông lại “chẳng bàn giao” những “tháng ngày vất vả”, những nỗi đau của một thời gian khó, chiến tranh loạn lạc. Bằng ngôn từ giản dị mà tinh tế, sử dụng thể thơ tự do linh hoạt cùng biện pháp tu từ điệp từ “bàn giao”, tác giả đã làm nổi bật tình yêu thương âm thầm, sâu đậm của người ông, cũng là tiếng nói đầy nhân văn của thế hệ đi trước muốn truyền lại điều tốt đẹp cho thế hệ sau. Hai khổ thơ mở đầu không chỉ gợi cảm mà còn thể hiện rõ cái nhìn tích cực, bao dung về cuộc sống và con người.

Câu 2 (4,0 điểm):
Viết bài văn khoảng 400 chữ: “Làm thế nào để trở thành một người con hiếu thảo và có trách nhiệm với gia đình?”

Gia đình là chiếc nôi đầu tiên nuôi dưỡng mỗi con người cả về thể chất lẫn tâm hồn. Trong đó, hiếu thảo và có trách nhiệm là những phẩm chất nền tảng giúp con người sống tốt và trở thành người tử tế. Vậy làm thế nào để trở thành một người con hiếu thảo và có trách nhiệm với gia đình?

Hiếu thảo là lòng biết ơn, kính trọng, yêu thương, chăm sóc ông bà, cha mẹ. Trách nhiệm với gia đình là ý thức, hành động tự giác để xây dựng, gìn giữ hạnh phúc và sự gắn kết giữa các thành viên. Một người con hiếu thảo không chỉ là người biết vâng lời, quan tâm đến sức khỏe, cảm xúc của cha mẹ mà còn biết chia sẻ, giúp đỡ công việc gia đình, không ngại khó khăn để làm vui lòng ông bà, cha mẹ. Đó còn là người sống có trách nhiệm, biết học tập tốt, sống tử tế, không để cha mẹ phiền lòng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngày nay vẫn còn không ít người trẻ sống thờ ơ với gia đình. Họ chỉ mải mê chạy theo sở thích cá nhân, sa đà vào công nghệ, mạng xã hội mà quên đi sự quan tâm, chăm sóc cho người thân. Nguyên nhân có thể đến từ sự nuông chiều của cha mẹ, thiếu giáo dục đạo đức từ nhà trường hoặc ảnh hưởng tiêu cực từ xã hội.

Để trở thành người con hiếu thảo, trước hết mỗi người cần học cách lắng nghe, chia sẻ, cảm thông với những vất vả, hy sinh của cha mẹ. Dù chỉ là lời hỏi han, bữa cơm phụ giúp hay việc học hành chăm chỉ cũng là cách thể hiện lòng biết ơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng ý thức tự giác, sống trách nhiệm, không trốn tránh nghĩa vụ và biết đứng lên vì gia đình. Nhà trường, gia đình cũng cần phối hợp giáo dục con trẻ về giá trị gia đình, về lòng biết ơn, sự yêu thương và trách nhiệm.

Có thể nói, trở thành một người con hiếu thảo và có trách nhiệm là việc không hề khó, điều quan trọng là phải bắt đầu từ những hành động nhỏ, bằng sự chân thành và tự giác mỗi ngày. Đó là cách chúng ta đáp lại tình yêu thương vô điều kiện mà gia đình đã dành cho ta, và cũng là nền tảng để ta trưởng thành, sống tử tế và góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn.

 

Cảm ơn các em đã dành thời gian đón đọc bài viết của cô Diệu Thu. Hi vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp các em thêm yêu thích môn văn hơn. Nếu thấy bài viết ý nghĩa và hữu ích, đừng quên chia sẻ với bạn bè để mọi người cùng học hỏi và khám phá thêm những điều thú vị từ văn học nhé!

 

Trung tâm luyện thi văn cô Diệu Thu hiện có các lớp văn Online từ lớp 6 đến lớp 12, được giảng dạy bởi đội ngũ Tiến sĩ, Thạc sĩ và Giáo viên giỏi với nhiều năm kinh nghiệm. Phương pháp giảng dạy độc đáo bằng công thức sẽ giúp các em dễ dàng nắm vững kiến thức và yêu thích môn văn hơn. Rất mong được đồng hành cùng các em trên hành trình học tập và phát triển kỹ năng văn học!

 

Liên hệ: Cô giáo Lê Trần Diệu Thu – Thạc sĩ lý luận và Phương pháp giảng dạy Bộ môn Ngữ văn – 0973602995

#nguvan #vanhoc #hocvanbangcongthuc #cogiaodieuthu

Website: https://letrandieuthu.com/