I – ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu 1 (0,5 điểm):
- Ngôi kể: Ngôi thứ ba, người kể chuyện ẩn mình.
- Nhân vật chính: Những đứa trẻ trong truyện như Chi, Duy, Thịnh – đại diện cho thế hệ nhỏ tuổi biết yêu thiên nhiên và sống đầy tình người.
Câu 2 (0,5 điểm):
- Chủ đề: Câu chuyện đề cao tình yêu thiên nhiên, lòng nhân hậu và sự sẻ chia của những đứa trẻ đối với một ông lão khiếm thị – người âm thầm giữ gìn vườn hoa giữa lòng phố.
Câu 3 (1,0 điểm):
- Biện pháp tu từ: Ẩn dụ – “những bông hoa hình trái tim”.
- Tác dụng:
- Hình ảnh ẩn dụ này khiến cách diễn đạt thêm sinh động, giàu cảm xúc, gợi hình gợi cảm.
- Nhấn mạnh vẻ đẹp tâm hồn của những đứa trẻ – những “đóa hoa” rực rỡ của lòng yêu thương và sự tử tế.
- Qua đó, tác giả ca ngợi phẩm chất đẹp đẽ của con người và bày tỏ mong ước những tấm lòng như vậy sẽ ngày càng lan tỏa trong cuộc sống.
Câu 4 (1,0 điểm):
a.
- Lời nhân vật: “Thay vì cả đám lang thang vườn hoa tùy hứng như trước đây, giờ tụi mình chia lịch lên vườn hoa nhen?”
- Lời người kể: “Duy mập nói, giọng nghiêm trọng.”
b.
- Qua lời nói ấy, ta thấy Duy là một cậu bé chu đáo, có trách nhiệm, biết suy nghĩ và hành động để bảo vệ điều tốt đẹp. Cậu cùng bạn bè thể hiện sự quan tâm, lòng nhân ái và tinh thần chính nghĩa khi quyết tâm giúp đỡ ông Ngọc trông coi vườn hoa.
Câu 5 (1,0 điểm):
- Em hoàn toàn đồng tình với lời nhận xét của người mẹ. Bởi lẽ, vẻ đẹp đích thực không chỉ nằm ở sắc hương của các loài hoa, mà còn được thể hiện qua tấm lòng nhân hậu, hành động đẹp và tình cảm chân thành của con người – cụ thể ở đây là những đứa trẻ biết yêu thương, bảo vệ cái đẹp. Chính những “bông hoa trái tim” như Chi, Duy, Thịnh đã làm vườn hoa ấy bừng sáng, đậm đà tình người và ấm áp sắc xuân.
II – LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Viết đoạn văn (200 chữ) phân tích chủ đề tác phẩm “Những bông hoa hình trái tim”
Trong truyện ngắn “Những bông hoa hình trái tim”, Võ Thu Hương đã nhẹ nhàng vẽ nên một bức tranh đời sống vừa dung dị vừa cảm động, khắc họa chủ đề sâu sắc về tình yêu thiên nhiên và lòng nhân hậu. Qua hình ảnh ông Ngọc – người khiếm thị vẫn miệt mài chăm sóc vườn hoa – và những đứa trẻ quanh ông, tác giả thể hiện sự gìn giữ cái đẹp giữa cuộc sống hiện đại đang dần quên đi những giá trị truyền thống. Từ lòng yêu hoa, các em nhỏ dần học cách lắng nghe, cảm nhận và bảo vệ vẻ đẹp ấy bằng trái tim chân thành. Các em không chỉ hỗ trợ ông trong việc bán hoa, mà còn chia nhau lịch trực để ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng lòng tốt của ông lão. Hành động ấy khiến các em trở thành những “bông hoa hình trái tim” – biểu tượng cho lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm và vẻ đẹp tuổi thơ. Từ đó, truyện gửi gắm thông điệp đầy nhân văn: chỉ khi con người sống bằng sự yêu thương, sẻ chia, cuộc sống mới thật sự tỏa sáng và đáng trân trọng.
Câu 2:
Cơn bão Yagi đi qua không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng mà còn là lời cảnh tỉnh về tình trạng chặt phá rừng và khai thác gỗ trái phép – một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở đất. Đây là một thực trạng đáng báo động, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà còn đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của con người và sự phát triển bền vững của xã hội.
Rừng được ví như “lá phổi xanh” của Trái đất. Không chỉ cung cấp oxy, điều hòa khí hậu mà còn giữ đất, ngăn lũ, bảo vệ hệ sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng chặt phá rừng diễn ra ngày một nghiêm trọng. Rừng nguyên sinh bị tàn phá để lấy gỗ, làm nông nghiệp, hoặc để khai thác khoáng sản. Tại nhiều khu vực miền núi, đồi trọc ngày càng xuất hiện nhiều, thay thế cho những cánh rừng xanh mát trước kia. Thậm chí, ngay cả những khu bảo tồn, rừng đặc dụng – vốn được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt – cũng không thoát khỏi sự tàn phá của các đối tượng trục lợi.
Nguyên nhân của vấn nạn này đến từ nhiều phía. Trước hết là lòng tham và sự thiếu ý thức của một bộ phận con người. Vì lợi nhuận, họ sẵn sàng phá rừng, bất chấp hệ lụy để lại cho môi trường và xã hội. Sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm hoặc thậm chí bao che, tiếp tay của một số cán bộ địa phương cũng góp phần khiến tình trạng này thêm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa đủ mạnh và các biện pháp răn đe chưa đủ sức ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác trái phép.
Hậu quả của chặt phá rừng là vô cùng lớn: xói mòn đất, giảm độ che phủ, mất cân bằng sinh thái, giảm đa dạng sinh học. Đặc biệt, khi không còn cây rừng giữ đất, lũ quét và sạt lở đất xảy ra thường xuyên hơn, tàn phá nhà cửa, cuốn trôi sinh mạng, gây thiệt hại khủng khiếp mà con người phải gánh chịu. Những gì cơn bão Yagi để lại không chỉ là mất mát mà còn là bài học đắt giá cho toàn xã hội.
Trước tình hình đó, mỗi cá nhân và tổ chức cần hành động ngay lập tức. Về phía cá nhân, chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không tham gia hay tiếp tay cho việc phá rừng. Các gia đình, trường học cần giáo dục học sinh về vai trò của rừng, tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tuyên truyền bảo vệ thiên nhiên. Về phía nhà nước, cần có chính sách nghiêm khắc hơn, đẩy mạnh xử lý các vụ phá rừng, đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích người dân trồng rừng thay vì phá rừng làm rẫy. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ để giám sát rừng hiệu quả hơn.
Bảo vệ rừng không chỉ là bảo vệ môi trường mà còn là bảo vệ chính tương lai của chúng ta. Đừng để những cơn bão như Yagi trở thành lời nhắc nhở muộn màng. Hãy hành động từ hôm nay – bằng nhận thức, bằng trách nhiệm và bằng tình yêu đối với thiên nhiên.
Cảm ơn các em đã dành thời gian đón đọc bài viết của cô Diệu Thu. Hi vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp các em thêm yêu thích môn văn hơn. Nếu thấy bài viết ý nghĩa và hữu ích, đừng quên chia sẻ với bạn bè để mọi người cùng học hỏi và khám phá thêm những điều thú vị từ văn học nhé!
Trung tâm luyện thi văn cô Diệu Thu hiện có các lớp văn Online từ lớp 6 đến lớp 12, được giảng dạy bởi đội ngũ Tiến sĩ, Thạc sĩ và Giáo viên giỏi với nhiều năm kinh nghiệm. Phương pháp giảng dạy độc đáo bằng công thức sẽ giúp các em dễ dàng nắm vững kiến thức và yêu thích môn văn hơn. Rất mong được đồng hành cùng các em trên hành trình học tập và phát triển kỹ năng văn học!
Liên hệ: Cô giáo Lê Trần Diệu Thu – Thạc sĩ lý luận và Phương pháp giảng dạy Bộ môn Ngữ văn – 0973602995
#nguvan #vanhoc #hocvanbangcongthuc #cogiaodieuthu
Website: https://letrandieuthu.com/