ĐỀ SỐ 39: NHỮNG NGÀY BÌNH THƯỜNG

ĐỀ THI NGỮ VĂN TẠI TT CÔ GIÁO DIỆU THU

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau  

NHỮNG NGÀY BÌNH THƯỜNG

Mùa mưa ẩm thấp lại đến. Những cơn mưa đêm lướt qua, vừa lạnh lẽo vừa ồ ạt. Bằng cái màu trắng của mình, chúng đã biến đổi cả một khoảng trời trong giấc ngủ tôi

Tôi hay sang nhà chú Hùng, chui vào cái ụ rơm như một con chim chui vào cái tổ. Tôi cũng hay tưởng tượng mình sẽ mọc cánh, những cái cánh dài vừa vặn với thân thể của tôi. Một buổi chiều đầy gió, tôi bay về phía cuối bầu trời. Nơi đó có những đám mây mang gương mặt của bé Thương.

Vào ngày nắng, tôi xếp đôi cánh vào cái sọt nhỏ để dưới gầm gường của mình. Hàng đêm đôi cánh vẫn cứ mọc dài và ngúc ngoắc.

Trong những giấc mơ lơ đãng, tôi cũng có một đôi cánh khác. Ðó là những đôi cánh vải mềm và trong suốt đưa tôi đi. Nhưng tôi cũng biết trong những giấc mơ, tôi có bay cao xa cũng không ra khỏi khu vườn. Tôi đã hiểu thế nào là một khu vườn rồi. Tôi cần đi đến một nơi khác khu vườn tôi đã có. Tại sao không chứ? Mẹ tôi nói, khi một đứa trẻ lớn lên, chúng cần biết nhiều điều bên ngoài khu vườn. Mẹ đã hé cho tôi thấy một khu vườn không bao giờ đủ cho một đứa trẻ.

Tôi đã âm thầm vùi bốn củ khoai vào tro nóng mỗi đêm. Tôi sẽ làm công việc đó liên tục hàng ngày. Một ngày nào đó, chắc chắn nó sẽ đến, khi cảm thấy đủ sức rời khỏi khu vườn, tôi sẽ có bốn củ khoai nóng mà đem theo.

Nhưng mùa mưa cứ dai dẳng và âm ỉ khiến sự chờ đợi của tôi mòn mỏi dần và tôi quên nó. Một ngày nọ bỗng nhớ đến, ôi thôi, củ khoai đã thành tro rồi còn đâu. Tôi cười xòa rồi quên cái ý định ra đi. Thành thật mà nói, với bốn củ khoai đó, tôi chỉ có thể xa mẹ đúng một ngày. Một củ cho điểm tâm, ba củ còn lại dành cho sáng, trưa và chiều. Tôi chưa bao giờ có thể xa mẹ hơn thế nữa. Tôi đành giấu kín chuyện này, xem nó như là một bí mật của đời tôi…”

(Chương 15: Những ngày bình thường, trích “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ– Nguyễn Ngọc Thuần)

Câu 1 (0,5 điểm).  Đoạn trích được kể theo ngôi kể nào?

Câu 2 (0,5 điểm). Theo lời kể trong phần cuối đoạn trích thì vì sao nhân vật tôi lại “cười xòa rồi quên cái ý định ra đi?

Câu 3 (1,0 điểm). Từ in đậm trong mỗi câu sau thuộc từ loại nào và mỗi từ đó dùng để biểu thị ý gì?

(1) – Một ngày nọ bỗng nhớ đến, ôi thôi, củ khoai đã thành tro rồi còn đâu.

(2) – Thành thật mà nói, với bốn củ khoai đó, tôi chỉ có thể xa mẹ đúng một ngày?

Câu 4 (1,0 điểm). Trong những câu văn:“Trong những giấc mơ lơ đãng, tôi cũng có một đôi cánh khác. Đó là những đôi cánh vải mềm và trong suốt đưa tôi đi“, hình ảnh “đôi cánh” có giá trị biểu đạt điều gì? Hãy chia sẻ một vài “bí mật” của em về điều đó?

Câu 5 (1,0 điểm). Em có đồng ý với quan điểm của người mẹ trong đoạn trích là “khi một đứa trẻ lớn lên, chúng cần biết nhiều điều bên ngoài khu vườn” không? Vì sao?

PHẦN II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích chi tiết “đôi cánh” và ý nghĩa biểu tượng của nó trong hành trình trưởng thành của nhân vật “tôi” trong văn bản trên.

Câu 2. (4,0 điểm) Viết bài văn nghị luận xã hội khoảng 400 chữ về tầm quan trọng của việc chuẩn bị và hành động để thực hiện ước mơ.

 

Cảm ơn các em đã dành thời gian đón đọc bài viết của cô Diệu Thu. Hi vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp các em thêm yêu thích môn văn hơn. Nếu thấy bài viết ý nghĩa và hữu ích, đừng quên chia sẻ với bạn bè để mọi người cùng học hỏi và khám phá thêm những điều thú vị từ văn học nhé!

 

Trung tâm luyện thi văn cô Diệu Thu hiện có các lớp văn Online từ lớp 6 đến lớp 12, được giảng dạy bởi đội ngũ Tiến sĩ, Thạc sĩ và Giáo viên giỏi với nhiều năm kinh nghiệm. Phương pháp giảng dạy độc đáo bằng công thức sẽ giúp các em dễ dàng nắm vững kiến thức và yêu thích môn văn hơn. Rất mong được đồng hành cùng các em trên hành trình học tập và phát triển kỹ năng văn học!

 

Liên hệ: Cô giáo Lê Trần Diệu Thu – Thạc sĩ lý luận và Phương pháp giảng dạy Bộ môn Ngữ văn – 0973602995

#nguvan #vanhoc #hocvanbangcongthuc #cogiaodieuthu

Website: https://letrandieuthu.com/